Print Friendly Version of this page In trang nầy Get a PDF version of this webpage Xuất PDF trang nầy
Saturday, September 3, 2016

[Trà Sữa Tâm Hồn] Mùa Đến Thì Sẽ Mưa

[Trà Sữa Tâm Hồn] Mùa Đến Thì Sẽ Mưa






$pageIn

Năm đại học thứ ba, tôi làm việc ở tiệm bán đĩa nhạc và phim, cùng một cô gái tên Bảo. Tôi làm ba tháng thì Bảo mới xuất hiện. Một buổi chiều, Bảo đến tiệm, đi một vòng rồi lấy trộm một đĩa phim cho vào túi và nhanh chóng rời đi nhân lúc tiệm đông khách. Anh Phong chủ tiệm và tôi hẳn cũng không hề biết chuyện đã xảy ra, nếu sáng hôm sáng Bảo không tự mình đem đĩa phim ấy đến trả lại, thú nhận và xin lỗi. Bảo nói Bảo cũng không hiểu vì sao nữa, Bảo không hề thích hay muốn có đĩa phim đó. Có cái gì mơ hồ thôi thúc Bảo hành động điên rồ như vậy chứ Bảo chẳng kịp có lấy một giây suy nghĩ.

Bảo cầm đĩa phim rồi chạy điên cuồng trên vỉa hè. Đến cuối con đường Bảo dừng lại thở dốc, thì muốn quay lại rồi, định đem trả lại ngay nhưng sắp đến giờ học. Nên sáng hôm sau Bảo đã ngồi chờ ở trạm xe buýt bên kia đường từ sớm, tiệm vừa mở cửa là cậu ấy bước sang ngay. Sau khi Bảo kể xong, anh Phong đáp lời ngay lập tức, hỏi Bảo có muốn đến cửa tiệm làm không? Bảo suy nghĩ ba giây thì gật đầu.

Anh Phong cũng quyết định lắp thêm một camera an ninh thật kín đáo. Sau này anh Phong nói với tôi về sự bất ổn kì khôi của nhiều người trẻ tuổi, vài khoảnh khắc họ lạc mất ý thức về chính mình và hành động không thể tin nổi. Biết đâu ở trong một không gian mới, gặp gỡ những con người mới họ sẽ khá hơn. Và tiệm cũng cần thêm một người để tránh những trường hợp như vậy tiếp tục xảy ra, vì người ta lấy cắp với động cơ nào, thì tiệm vẫn bị thiệt hại. Đã gần một năm rồi, từ chuyện đó.

Tôi sẽ kể một chút về tiệm đĩa ấy. Nó nhỏ bé và đẹp đẽ như chiếc hộp nhạc mà trẻ con hay chơi, nằm lọt thỏm giữa những khối nhà cao sắc lạnh. Từ đam mê sưu tầm băng đĩa thời trẻ để nuôi dưỡng cảm hứng cho công việc thiết kế công trình, anh Phong đã mở tiệm đĩa, sơn tường màu olive, lắp đèn vàng cho ánh sáng ấm áp chiếu xuống kệ gỗ ngay ngắn. Đĩa chất đầy, phần lớn được nhập trực tiếp từ nước ngoài, chất lượng cao, khá đắt, phục vụ cho những người cầu kì và khắt khe trong việc thưởng thức. Có phòng cách âm để nghe thử, trong đó luôn có một bình trà. Khách hàng đa phần là người từ những cao ốc văn phòng xung quanh. Những con người có vẻ thờ ơ lạnh lùng.

Nhưng vào sáu giờ chiều tan tầm, chạng vạng cũng làm họ yếu mềm và cô độc. Họ sẽ đến tiệm, đi loanh quanh một lúc giữa mấy chục mét vuông êm ái rồi rời đi với một album nhạc indie mới hay một bộ phim sản xuất độc lập trên tay, để lấp đầy những buổi tối trong các căn phòng vuông biệt lập. Hoặc đáng yêu hơn là mua để tặng nhau. Khách hàng văn minh và lặng lẽ. Nên công việc ở đó rất nhẹ nhàng, thậm chí có phần lãng mạn. Và tôi thích cả việc anh Phong yêu cầu tôi và Bảo luôn phải mặc áo màu trắng với quần hoặc váy màu xanh sẫm.

Tôi quản lí các đĩa nhạc, còn Bảo trông coi kệ phim. Chúng tôi phân chia như vậy theo sự quan tâm của mỗi người. Tôi học về ngôn ngữ, nên luôn luôn nghe nhạc rất nhiều. Vì ngôn ngữ trong âm nhạc rất đẹp. Bảo không hẳn thích các câu chuyện nồng nàn hay trí tuệ rắc rối trong những bộ phim. Nhưng Bảo quan tâm đến những nhân vật, những cá tính và những khung cảnh. Nó giúp ích cho Bảo trong công việc minh họa và sáng tác tranh. Mỗi khi xem phim, trên tay Bảo luôn có bút chì và sketchbook.

Chúng tôi thay nhau trong coi cửa tiệm vào ban ngày, và cùng trông coi vào ban đêm – khung giờ đông khách. Cuối tuần cả hai sẽ ở đó suốt. Tôi với Bảo không nói chuyện với nhau nhiều. Chỉ có những cuộc hội thoại ngắn dưới mười câu, trao đổi về công việc hoặc cảm thán về những lớp học mệt mỏi. Còn lại hai người lặng lặng ngồi ở hai góc, nghe nhạc và xem phim, không cùng với nhau.

K xuất hiện vào một ngày trời chuyển lạnh. Anh ta bước vào cửa tiệm với vòng khăn quấn quanh cổ màu rượu đỏ, trùng màu khăn hôm ấy với Bảo. K tìm mua một đĩa vinyl tập hợp các bài hát Việt Nam những năm hai nghìn. Sau đó anh ta trở lại đều đặn vào mỗi tuần, để mua một đĩa phim, hoặc có khi không mua gì cả. Chúng tôi đều tự hiểu K. đơn giản là chú ý đến Bảo, muốn được gặp cậu ấy.

Bảo không phải kiểu những cô gái xinh đẹp, thông minh và luôn tỏ ra họ cần được bảo vệ. Kiểu con gái như vậy dễ được ưa thích. Bảo thì dễ khiến người ta e dè. Bảo xinh, nhưng các đường nét ngẫu hứng, đặc biệt là đôi mắt quá to với ánh nhìn bộc trực, khiến vẻ ngoài đôi lúc hơi đáng sợ. Bảo cũng hay bỏ quên các quy tắc giao tiếp thông thường, cậu ấy nhiều khi mất tập trung, hoặc bẻ ngoặt câu chuyện sang một chiều khác hoàn toàn, dễ khiến người khác đánh đồng với sự bất nhã. Và Bảo biểu hiện hoàn toàn độc lập, cứng cỏi. Cái cách Bảo tranh luận với các đồng môn qua điện thoại về những bài tập đồ án nhóm, đôi khi khiến tôi khăm phục khả năng làm chủ vấn đề của cậu ấy.

Nhưng có những người tạm gọi là kiểu người X, thì cũng sẽ có những người yêu thích kiểu người X. Thế giới đa dạng bất tận sẽ luôn thiết lập được những mối ghép vừa vặn theo một cách nào đó. Sự thật đơn giản như thế. Nên chuyện K thích Bảo cũng không có gì lạ. Tôi nhìn Bảo dò đoán phản ứng khi K đến, cậu ấy bắt gặp, trừng mắt. Nhưng lần sau tôi lại làm vậy, không kìm chế được. K có vẻ là một chàng trai tốt, hiền lành. Quá hiền lành là khác, khi tôi thấy anh ta đến bao nhiêu lần rồi, cứ len lén nhìn Bảo mà chưa hề đến gần để thì thầm một câu nào riêng tư.

S thì lại tới cùng mùa mưa. Từ tháng Ba, vào các buổi tối, cô ấy bắt đầu đứng chờ ở trạm chờ xe buýt đối diện cửa tiệm. Chắc cô vừa bước ra khỏi một công sở nào đó sau tám giờ miệt mài. S giống hầu hết các cô gái văn phòng hay đến đây mua đĩa. Gương mặt với làn da thiếu sắc tố, mệt mỏi. Vóc người gầy giấu trong những chiếc váy thanh lịch nhạt màu. S chỉ khác mọi người và giống Bảo, ở đôi mắt to khác thường. Có thể một đôi mắt to để lộ quá nhiều thứ bên trong chủ nhân nó, mà ở S là cảm giác vừa bảng lảng vừa nhẹ nhõm lạ lùng. Nên tôi không thể rời mắt khỏi cô ấy được. Tôi ngồi trong phòng thử vắng khách, nghe các đĩa nhạc và nhìn cô ấy mãi. Suốt mấy tuần liền, tôi nghĩ về S liên tục, dù ở giảng đường, hay đang ăn trưa, hay lúc cố nhắm mắt ngủ. Nghĩ đến S, tôi lại thấy xúc động. Và trông thấy cô đứng một mình bên kia đường, thì tôi luôn quên mất mọi âm thanh đang bay vào tai từ những chiếc đĩa vẫn quay tròn nhẫn nại. Trời lại cứ mưa mãi, mưa mãi.

Có bàn tay chạm nhẹ sau lưng. Tôi quay lại thì thấy Bảo. Cửa tiệm nhỏ, không gì lọt khỏi tầm mắt của nhau được. Cậu ấy đã đứng đó từ bao giờ, liền gỡ một bên tai nghe của tôi xuống và bảo rằng, “Cậu phải qua bên ấy, Minh à.”

Tôi hỏi lại “Để làm gì?”

“Tôi không biết. Nhưng cậu biết.”

“Có được không?”

“Phải thử thì mới biết được chứ.”

Tôi không chắc nữa. Bây giờ tôi thấy đồng cảm với K. Anh ta, giống như tôi, có lẽ đã nghĩ rằng cứ giữ một khoảng cách như vầy sẽ tốt hơn. Để không phải hứng chịu một đổ vỡ nào cả. Nhưng ý nghĩ đó, có tương đồng với sự hèn nhát hay không?

Tôi chưa kịp tự đưa ra câu trả lời, đã bị Bảo lôi đứng dậy rất nhanh. Bằng một sức mạnh kì dị, cô gái nhỏ đẩy tôi một cú gọn gàng ra cửa, không để kẻ dưới tay phản kháng một giây nào. Trong chớp mắt, tôi chuyển từ căn phòng ấm áp và thơm mùi trà ra đứng giữa lề đường mưa bay lất phất lạnh cóng. Như là tôi vừa bị đẩy ra khỏi vùng an toàn của mình. Không sao đâu, tôi thầm nghĩ. Tuổi trẻ phải có ít nhất một lần như vậy. Đúng lúc chuyến xe buýt S chờ vừa đậu lại. Tôi chạy băng sang đường rồi leo lên xe.

Tôi mua vé rồi đến ngồi ở băng ghế bên cạnh S. Giữa chúng tôi là khoảng trống đường đi, và trên xe chỉ có hai người nữa đang ngủ gật phía băng ghế cuối. Tôi cứ ngồi im, nhìn mưa đậu vào cửa kính, chảy thành những vệt dài. Ở khoảnh khắc hai vệt chảy của hai giọt mưa bỗng chạm vào nhau hòa làm một, tôi vô thức đưa tay sang chạm những ngón tay S trắng lạnh. Cô ấy không có phản ứng gì cả. Chúng tôi cứ ngồi yên như thế, cùng nhìn về phía trước và nghe tiếng mưa rơi nho nhỏ. Ánh đèn cứ trôi qua vùn vụt hai bên đường. Tôi nghĩ ít nhất cũng năm phút, từ khi cái nắm tay bắt đầu cho đến khi S rụt tay lại và bắt đầu nói chuyện với tôi. Vậy mà tôi tưởng chỉ mới vài ba giây thôi.

“Như vậy đủ chưa?”.

“Sao S làm vậy?”

“S?”

“Tên của một thành viên trong ban nhạc mà tôi thích. Hai người rất giống nhau.”

“Thật sao? Hôm nào tôi ghé cửa tiệm, cậu cho tôi xem thử một đĩa nhạc của họ nhé!”

“S. biết tôi làm ở đó sao, hình như S chưa ghé bao giờ.”

“Cậu không thấy sao, mắt tôi rất to mà. Tôi thấy tất cả mọi thứ”, S chợt cười, “Cậu hay ngồi im trong phòng nghe nhạc. Nhìn tôi.”

“Thật xấu hổ!” Tôi không dám nhìn cô nữa, cứ cúi xuống nhìn mãi vào bàn tay mình.

“Có gì đâu. Nhưng tôi nhạt nhòa, khô cằn lắm. Tôi không có đĩa nhạc nào trong nhà. Tôi cũng yêu một người bốn năm rồi. Có một kiểu người không thấy phiền hà về sự lặp lại, hoàn toàn hài lòng với một cuộc sống cân bằng, ổn định, và quan trọng nhất là an toàn. Tôi thuộc kiểu người ấy. Một người như tôi chắc không thể làm cho cậu vui thực sự đâu.” S. ngừng lại, nhìn ra bên ngoài rồi quay vào thông báo, “Tôi phải xuống sau hai trạm nữa.”

“Ừ. Tôi sẽ xuống cùng S, sang đường để đón xe ngược lại.”

“Cậu biết đấy, chắc là trời mưa và những bản nhạc cậu nghe, đã khiến cậu thích tôi thôi. Trong một không gian khác hẳn điều đó không còn. Cậu sẽ không nhớ về tôi quá lâu đâu.”

Tôi gật đầu, cố gắng mỉm cười.

“Đến nơi rồi. Để tôi bấm chuông.”

S còn nán lại trạm xe nói thêm một điều nữa, “Cảm ơn cậu. À. Cảm ơn Bảo giùm tôi luôn nhé! Cô ấy từng giới thiệu cho tôi mua một đĩa phim để mang đi tặng, người được tặng rất thích. Cảm ơn vì cú đẩy lúc nãy nữa. Cô ấy thật dễ thương, cậu không thấy vậy sao?” Rồi S quay đi. Tôi để mặc áo quần cho mưa thấm ướt, cứ chạy lao sang bên kia đường. Tôi có ngoảnh lại nhìn S một lần, ba giây, rồi thôi.

Thế là trong một giờ đồng hồ, có một chuyến buýt đưa tôi đi xa, và một chuyến đem tôi trở về. Xe chậm rì. Không biết vì sao tôi rất nóng lòng muốn được gặp Bảo. Tôi hình dung cậu ấy sẽ lại dùng giọng nói thờ ơ của mình để giục tôi nên về nhà thay đồ ngay kẻo ốm, hoặc nói tôi thật ngốc. Sao cũng được, ở một mình lúc này thật khủng khiếp. Nhưng tiệm đã đóng cửa, Bảo về rồi. Tôi mở cửa, ngồi ở cái góc của Bảo nghe một đĩa nhạc rồi về.

Bảo không đến cửa tiệm suốt hai ngày sau đó. Anh Phong nói Bảo đã xin phép nghỉ ốm, kêu tôi thay Bảo trong coi cửa. Không vấn đề, kì nghỉ mùa Hè cũng vừa bắt đầu. Tôi gọi điện, Bảo khụt khịt nói bị cảm thôi, không sao cả, Bảo đã uống thuốc và sẽ ngủ ngay bây giờ.

Lạ là K đến cửa hàng liên tục trong hai ngày đó, cả sáng và tối. Rõ ràng anh ta rất muốn gặp Bảo. Nhưng cứ đến, không thấy Bảo thì cầm ngẫu nhiên một đĩa phim thanh toán rồi đi, không nói gì cả. Lần thứ ba, khi K đưa đĩa để tôi thanh toán, tôi hỏi anh ta muốn có số điện thoại của Bảo không?

K khựng lại một chút, rồi lắc đầu.

“Không. Không cần đâu.”

Tôi nhớ lại cái cách Bảo đã giúp tôi tối hôm ấy. Tôi muốn làm gì đó tương tự như vậy.

“Thật chứ? Anh đừng ngại.”

“Thật ra những gì muốn nói, tôi cũng đã nói với cô ấy rồi, vào một buổi sáng lúc cậu không có ở đây. Cô ấy từ chối tôi rồi. Chỉ là ngày mai tôi phải bay trở lại Pháp. Tôi muốn tới chào cô ấy thôi. Nhưng không gặp cũng không sao.”

“Tôi sẽ nhắn lại là anh có đến.”

“Cảm ơn cậu.”

“Tôi tặng anh đĩa phim này nhé!”

“Cảm ơn cậu lần nữa, tôi không khách sáo đâu.”

“Hẹn gặp lại.”

“Chắc chắn rồi.”

K chào tạm biệt, rời đi.

Sau đó nửa giờ, anh Phong đến. Cơn mưa vẫn kéo dài, ùa vào hơi lạnh mỗi khi cánh cửa mở ra. Tiệm vắng khách. Anh Phong rũ chiếc ô nhỏ gác trên chiếc ghế ngoài hiên, vào uống một cốc trà. Rồi hỏi tôi có muốn đi đâu không, đi đi, tối nay anh rảnh có thể coi cửa hàng.

“Dạ. Chắc em sẽ đến thăm Bảo.”

“Tối muộn mấy hôm trước, trong một giây tình cờ nhìn qua camera, anh đã thấy cô bé ấy đứng một mình đưa tay lên như là chùi nước mắt.” Tôi giật thót. Anh Phong nói tiếp, đúng như dự đoán. “Sau đó một giờ, tới lượt cậu.” Thế đấy, tôi đã bỏ quên một ánh mắt luôn nhìn tôi. Tôi buồn khủng khiếp, không biết nói gì cả. Cầm bình trà lên để đánh lạc hướng sự lúng túng, tôi rót thêm cho anh Phong một ly đầy. Làn khói bốc cao chạm vào tay nóng rực. “Chuyện cũng bình thường thôi. Anh cũng từng hai mươi. Mà hai mươi là tuổi thất vọng. Nỗi thất vọng ấy lớn lắm, tình yêu cũng chỉ là một phần. Sẽ còn nhiều kì vọng nữa dần dần bị đổ vỡ. Nhưng sẽ có niềm vui. Và niềm vui cũng rất lớn. Hành trình ấy vô cùng lạ lùng, không ít khó khăn. Nên có ai đó cùng nhau trải qua sẽ dễ dàng hơn nhiều. Cậu hãy tin tôi, chuyện gì cũng san sẻ được.”

Ngoài cửa thấp thoáng một vị khách. Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, anh Phong dặn tôi mua giùm anh hộp cháo và túi trái cây cho Bảo. Cầm mấy tờ tiền nhét sâu vào túi, tôi kéo mũ áo khoác trùm qua đầu, chạy băng băng về phía hầm gửi xe tòa nhà bên kia đường. Trong màn nước dày, tôi chợt nhìn thấy sự tồn tại của một tiến trình tự nhiên. Như mùa đến thì sẽ mưa. Tôi chỉ có thể chấp nhận và lớn lên.

Hôm nay, K thích Bảo, Bảo thích tôi, tôi thích S và S thuộc về người khác. Tưởng như vậy là buồn nhất rồi. Nhưng biết đâu ngày mai chuỗi mắt xích ấy đảo lộn hoặc vỡ tan. Rồi ngày kia có khi gặp chuyện buồn hơn, hoặc bất chợt vui lên, không biết được. Quan trọng là, lúc tất cả những diễn biến tuổi trẻ khôn lường ấy đến, tôi có một người đồng hành. Người đó ngay bên cạnh bao lâu, mà giờ tôi mới biết. Hàng giờ ngồi ngồi im lặng trong tiệm đĩa nhỏ với Bảo thật yên ả, một ánh mắt đi lạc của tôi cũng được nhìn thấy, quan tâm biết bao nhiêu. Sự yên ả ấy trong suốt đến nỗi tôi không biết nó hiện diện. Giờ thì nhớ nó khủng khiếp. Nên tôi cứ chạy không ngừng, băng băng trong mưa.

Hi Trần

$pageOut

Bài Viết Liên Quan:

0 nhận xét :

Post a Comment

Cảm Ơn Bạn Đã Đóng Góp Ý Kiến


Lên Trên