Print Friendly Version of this page In trang nầy Get a PDF version of this webpage Xuất PDF trang nầy
Thursday, September 29, 2016

[Trà Sữa Tâm Hồn] Bức Ảnh Gửi Cô Sarah

[Trà Sữa Tâm Hồn] Bức Ảnh Gửi Cô Sarah






$pageIn

Có khoảng hai năm do yêu cầu công việc, ba má tôi đến sống ở Singapore. Trong thời gian học trường quốc tế, tôi đăng ký tham gia thêm một lớp thiết kế sáng tạo, chuyên làm ra những vật dụng mới từ các món đồ cũ. Trong cuộc triển lãm sản phẩm cuối khoá, bên cạnh trưng bày sản phẩm chính tay mình làm ra, mỗi thành viên còn được phát biểu về dự định sau lớp học. Hầu hết đều nói sẽ sử dụng kỹ năng này để tự chế tạo vật dụng sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm ngân sách, bảo vệ môi trường. Đến lượt mình, tôi nói ngắn gọn: “Khi về Việt Nam, em sẽ truyền đạt lại các kỹ năng này cho ai thật sự muốn có nó!”. Sarah, cô giáo phụ trách lớp nói riêng với tôi: “Hãy viết thư và gửi hình chụp khi dự định của em thành sự thật!”. Tôi siết bàn tay cô, thay cho một lời hứa và câu chào tạm biệt.

Về nước, tôi vào học lớp mười một. Tôi rất bận rộn. Thỉnh thoảng, tôi cũng tự làm cho mình và bạn bè sợi dây quấn tóc hay chiếc băng-đô từ vải vụn. Thế nhưng, mấy cô bạn còn nhận xét chúng thật dị hợm và tầm thường. Những ý định mới hồi nào còn sôi sục giờ nguội lạnh hẳn.

Một sáng chủ nhật, chạy qua tầng trệt, địa điểm sinh hoạt chung của dân cư trong toà nhà, tôi chợt nhận ra có rất nhiều em nhỏ tụ tập trong phòng kính. Một ý định vụt qua. Tôi chạy đi gặp bác quản lý dịch vụ công ích toà nhà, bàn bạc. Cuối tháng đó, lớp học chế tạo đồ chơi và đồ dùng học tập ra đời. Lớp mở sáng chủ nhật, với khoản học phí tượng trưng để trả cho ông lao công dọn dẹp sau giờ học.

Đám trò nhỏ khá hào hứng với ý tưởng tôi gợi ra. Nhưng, tôi nhận thấy các em không mấy quý trọng nâng niu sản phẩm của mình. Vì sao lại thế thì tôi không thể nào giải thích nổi.

Ngay thời điểm tôi mất dần hứng thú, có một cô bé chừng tám, chín tuổi xin vào học. Đứng cạnh những đứa trẻ đầy đủ sống trong chung cư, con bé nhìn khác hẳn: da ngăm đen, mái tóc rậm cắt ngắn, quần áo cũ và rẻ tiền. Nhưng tất cả được giữ gìn rất sạch sẽ.

Bác quản lý đắn đo đôi chút: “Bé Dư là con gái duy nhất của ông lao công toà nhà mình. Hai cha con nghèo đấy. Ông ấy sức khoẻ không có, lại cảnh gà trống nuôi con. Hồi năm ngoái, ông ấy xin vào chung cư này làm việc. Thôi thì cứ cho con bé vô lớp nghe. Không cần thu học phí, được không?”. Tất nhiên là tôi đồng ý.Nhìn đôi mắt sáng và các cử chỉ khéo léo lanh lẹn, tôi biết Dư là một cô bé sôi nổi. Thế nhưng nó cũng rất nhạy cảm. Bằng mọi cách, nó cố gắng để không đứa bạn nào trong lớp trêu chọc sự thiếu thốn và khác biệt của mình. Mỗi khi nhìn con bé cẩn thận xếp lên bàn bộ kéo, thước, bút chì và hồ dán, tôi như trông thấy những cố gắng hết sức hết lòng của ông bố lao công muốn cho con gái không thua kém bè bạn.

Lần nọ, tôi dặn các em tuần sau mang đến mỗi người một mảnh vải và tấm bìa cũ, để tôi hướng dẫn làm túi đựng chìa khoá, gương mặt Dư rất căng thẳng. Tuy nhiên, khi tôi hỏi có cần giúp đỡ gì không, con bé lắc đầu: “Em sẽ có vải và bìa. Bố em sẽ kiếm được!”.

Buổi học tuần sau đó, các học trò nhỏ của tôi bày vật liệu lên bàn, bỗng, một thằng bé túm lấy miếng vải trước mặt Dư, la lên: “Ô, cái này là khăn trải bàn má tớ quăng hôm bữa rồi mà!”. Đám trẻ cười ồ: “Bố Dư lượm nó trong thùng rác, hả?”. Con bé mím chặt môi, mặt xanh tái. Để vãn hồi trật tự, tôi phải giải thích việc sử dụng vật liệu bỏ đi là rất đúng, không có gì mà phải cười chê.

Đám trẻ tập trung vào bài học. Dư cũng làm chăm chú, nhưng nước mắt rớt xuống lã chã.

Sau sự việc đó, thỉnh thoảng, tôi rủ cô bé lên nhà chơi. Từ mảnh carton cũ, tấm vải rèm rách gấu, vỏ lon nước ngọt hay các chai thuỷ tinh lăn lóc mà Dư thu lượm từ thùng đẩy rác có bánh xe của bố, tôi và cô bé tạo những rất nhiều món đồ độc đáo: Chậu cây bonsai bằng lon nhôm, hộp đựng bút từ vỏ bìa, miếng trang trí bọc tay nắm cửa bằng vải vụn, và cả rèm hạt thuỷ tinh từ những mảnh chai nung chảy. Dư thích mê các món tự tay mình làm ra. Cô bé xin tôi mang về khoe bố, và nói: “Mai mốt lớn, em sẽ làm những thứ chị dạy. Rồi em mở tiệm kinh doanh, có tiền nuôi bố!”.

Một hôm, tôi dặn các em chuẩn bị làm cái túi vải có quai đeo. Đám trẻ nhỏ mang tới lớp những mảnh vải dày dặn. Thật bất ngờ, hôm ấy, mảnh vải đẹp nhất là của Dư. Một khúc vải jeans hẳn hoi. Sau khi cắt, khâu và đính những hạt nút, mọi người đều có những chiếc túi có thể sử dụng tốt. Bé Dư nhờ tôi đính lại quai đeo cho chắc, nói nhỏ: “Em để dành cái túi này sang năm đeo đi học!”. “Bố kiếm cho em mảnh vải jeans này ở đâu?” – Tôi tò mò. Cô bé nhìn tôi, thì thầm: “Bố em cắt một ống cái quần đẹp nhất của bố. Phía bên chân bố bị cụt!”. Tôi ngồi im, lặng đi.

Tôi chụp một bức ảnh chung với Dư. Cô bé đeo trên vai chiếc túi vải jeans xinh xắn. Tôi sẽ gửi tấm hình ấy và kể cho cô Sarah nghe câu chuyện về chiếc túi nhỏ. Cũng như tôi, có lẽ cô cũng sẽ khóc vì nhận ra rằng, cất giấu bên trong các vật dụng nhỏ bé giản dị, thường có rất nhiều bất ngờ của tình thương yêu.

 

Trương Lý An Nhi

$pageOut

Bài Viết Liên Quan:

0 nhận xét :

Post a Comment

Cảm Ơn Bạn Đã Đóng Góp Ý Kiến


Lên Trên