Print Friendly Version of this page In trang nầy Get a PDF version of this webpage Xuất PDF trang nầy
Sunday, September 11, 2016

[Truyện Ngắn] Lắng Nghe Nhiều Hơn Nữa

[Truyện Ngắn] Lắng Nghe Nhiều Hơn Nữa






$pageIn

Một người đàn ông nhận ra rằng gần đây mình nghe không rõ lắm, và cần mua một chiếc máy trợ thính. Tuy nhiên, ông không muốn phải bỏ ra quá nhiều tiền. Vì vậy, ông tới một cửa hàng bán máy và hỏi nhân viên ở đó:

– Máy trợ thính thì khoảng bao nhiêu tiền vậy?

– Cũng còn tùy, thưa ông – Cậu nhân viên đáp – Ở đây có các mức giá từ 2 đôla đến 2.000 đôla.

– Vậy sao? Cho tôi xem cái máy 2 đôla thôi.

Cậu nhân viên lấy ra một “cái máy” và quàng qua cổ vị khách.

– Đây nhé, ông chỉ cần gài cái nút này vào tai và kéo cái dây nhỏ này xuống túi áo – Cậu nhân viên hướng dẫn.

– Nó hoạt động thế nào? – Vị khách hỏi kỹ.

– À, với mức giá 2 đôla, thì đây không thực sự là một cái máy trợ thính hoạt động được – Cậu nhân viên đáp – Nhưng khi mọi người nhìn thấy ông đeo nó, họ sẽ tự khắc nói to hơn ấy mà.

Trên đây chỉ là một câu chuyện vui, nhưng có lẽ bạn cũng biết, rằng hầu hết các vấn đề về giao tiếp không phải là do mọi người nói quá nhỏ hoặc quá nhẹ nhàng. Bởi vì, thật không may, không phải lúc nào chúng ta cũng là những người lắng nghe tốt. Bạn có biết rằng con người sẵn sàng trả hàng trăm đôla một giờ mà không vì lý do nào khác hơn là để có ai đó lắng nghe họ?

Nhà tâm lý học Carl Rogers nói: “Nhu cầu thực sự của một người, một nhu cầu khẩn thiết nhất, chính là có ai đó lắng nghe mình… không phải lắng nghe như thể mình là một “bệnh nhân”, mà là lắng nghe một tâm hồn con người”. Khi lắng nghe tốt chính là bạn đã đáp ứng được một trong những điều mong mỏi nhất của con người rồi đấy.

Tôi từng nghe một đứa trẻ nói thế này: “Mình sẽ cố gắng lắng nghe tốt hơn”. Vậy điều gì có thể sẽ xảy ra nếu bạn lắng nghe tốt hơn ngay từ hôm nay?

“Lắng nghe” khó hơn “nghe” rất nhiều, vì nó đòi hỏi sự tập trung. Bạn thử nghĩ xem mình có “thói quen lắng nghe kém cỏi” nào dưới đây không – hoặc nếu bạn thấy rằng mình không tự nhận ra được, hãy thử chấp nhận “mặt dày” và hỏi một người bạn thân xem sao nhé:

1. Sao lãng

Bấm tin nhắn khi người khác đang nói chuyện với bạn là bạn cũng gửi một thông điệp đến cho họ: bạn không lắng nghe. Và điều đó khiến người khác tổn thương. Đúng, có thể bạn đang nghe họ, hoặc bạn nghĩ là bạn biết họ nói gì rồi, nhưng bạn có tập trung vào những gì họ nói không? Có lẽ là không. Tập trung vào một tin nhắn, trang Facebook trên điện thoại, hay con cún xinh xinh đằng xa… khiến người đang nói biết rằng họ không quan trọng đối với bạn.

2. Ngắt lời

Thói quen xấu này cho thấy ba thứ: bạn thích nói, bạn không lịch sự, và bạn không lắng nghe

3. “Vượt mặt” người đang nói

Hãy tưởng tượng bạn đang hào hứng kể cho một người bạn về kế hoạch đi Sa Pa, và bạn ấy xen vào: “Tớ đến Sa Pa mấy lần rồi, đi thăm chỗ A chỗ B rồi, và tớ rất thích xem cây cối trên đó, mặc dù du khách ở đó thì…, với lại người dân ở đó thì…”. Tham gia vào một câu chuyện là chẳng có gì sai, nhưng cắt ngang chuyện của người khác để nói về mình là dấu hiệu cho thấy bạn không thích nghe họ. Thói quen này giống như cách bạn nói với người khác rằng: “Bạn mang đến cho tôi quả bóng, tôi sẽ giật lấy nó từ tay bạn và tự rê bóng”.

4. Tìm ra vấn đề

Những người có thói quen này về cơ bản nghĩ rằng mình đang lắng nghe, nhưng chỉ vừa đủ để tìm ra vấn đề gì đó và tìm cách… giải quyết. Đôi khi những người này quá quen đến mức tìm ra cả những vấn đề mà người nói chẳng hề có. “Ôi, cậu định đi SaPa tháng sau ấy à? Sao cậu lại đi vào mùa lạnh thế này? Đấy là còn chưa kể đến việc cậu không quen khí hậu và sẽ lăn ra ốm. Và thời tiết này sẽ rất hại da. Mà có khi còn chẳng có gì để ngắm ở trên đó…”.

Tuy nhiên, luyện tập để trở thành người lắng nghe tốt hơn cũng không phải là khó:

1. Bỏ những thói quen xấu

Bây giờ, khi bạn đã biết những thói quen xấu (ở phía trên), hãy nghĩ xem mình có chúng không, và dừng lại. Dù bạn đang ngắt lời người khác và nói dở chừng, hãy xin lỗi: “Mình lại thế rồi, lại ngắt lời khi cậu đang nói, xin lỗi nhé”. Nếu bạn thực sự muốn lắng nghe tốt hơn, hãy nhờ bạn bè nhắc bạn khi bạn lặp lại những thói quen đó.

2. Chỉnh lại tư thế

Các giáo viên dạy giao tiếp ở ĐH Nam California (Mỹ), khi thấy sinh viên không lắng nghe chăm chú, sẽ nhắc: “Chỉnh lại tư thế”. Họ yêu cầu sinh viên quay mặt về phía giáo viên, không được khoanh tay, hơi hướng người về phía giáo viên đang nói, thư giãn và nhìn vào mắt giáo viên – đó là tư thế để lắng nghe người khác.

3. Lặp lại

Cũng như những người phục vụ trong tiệm ăn thường lặp lại các món mà bạn gọi, những người lắng nghe tốt thường lặp lại những gì mình đang nghe. Mặc dù việc lặp lại này không hẳn là cần thiết cho tất cả mọi cuộc nói chuyện (“Ừ, tớ vừa nghe thấy cậu nói rằng cậu nghĩ hôm nay trời đẹp”), nhưng nó lại là công cụ hữu ích những khi mà hai người có thể hiểu nhầm thông điệp của nhau (“Cậu bảo cậu không vui vì tớ đã không tới dự sinh nhật cậu được à?”).

4. Nhận ra khi bạn không lắng nghe, và sửa chữa

Không ai luôn luôn là một người lắng nghe hoàn hảo. Nên nếu bạn cảm thấy mình sao lãng và không chú tâm lắng nghe, hãy thành thật với người đang nói chuyện với bạn. Hãy thừa nhận rằng đúng, bạn thích nghe họ nói, nhưng vừa rồi bạn hơi lơ đãng một chút, nên họ có thể lặp lại mấy câu cuối cùng được không…

 

Thục Hân (Dịch)

$pageOut

Bài Viết Liên Quan:

0 nhận xét :

Post a Comment

Cảm Ơn Bạn Đã Đóng Góp Ý Kiến


Lên Trên