Print Friendly Version of this page In trang nầy Get a PDF version of this webpage Xuất PDF trang nầy
Thursday, September 29, 2016

[Truyện Ngắn] Đường đến Trường

[Truyện Ngắn] Đường đến Trường






$pageIn

Cần phải chọn ra một một cái tên học giỏi nhất lớp 11A5? Không chút đắn đo tui sẽ đề cử Xuân Hiếu. Một người đặc biệt nhất từ trước đến nay? Cũng vẫn sẽ là cậu ấy. Chẳng phải vì giữ vai trò lớp trưởng mà tui đưa ra ý kiến chủ quan. Nếu hỏi các bạn khác, chắc chắn lựa chọn cũng giống vậy thôi. Ngay cả các thầy cô cũng dành cho thành viên này của lớp tui sự chú ý nhiều hơn bình thường. Trong giờ học các môn tự nhiên, Hiếu thường được gọi lên bảng giải bài tập khó hoặc đứng lên phát biểu xây dựng bài. Cậu ấy luôn có những cách giải khác lạ, những ý kiến chắc chắn do chính cậu ấy nghĩ ra. Thêm một điều nữa, là Hiếu chỉ gia nhập A5 từ hồi đầu năm lớp 11. Trước đó, như lời Hiếu nói, nhà cậu ấy ở tuốt dưới quê, xa mút chỉ cà tha, kiếm cho ra cũng phát mệt. Nhờ sự vận động giúp đỡ của thầy hiệu trưởng ở trường cũ, cậu ấy được nhận tài trợ và đưa lên thành phố học.

Hồi Hiếu mới chân ướt chân ráo vô lớp, mọi người đều nghĩ cậu ấy học trò ở tỉnh lên, chắc khờ và hiền. Ngay lập tức, Hiếu cho thấy tất cả đã lầm. Cậu ấy rất lanh lẹ, bắt quen với xung quanh dễ dàng. Các hoạt động của lớp, cậu ấy đều ghi tên cho tham gia tuốt luốt. Điều này ngược hẳn với phần đông tụi con trai, cứ thấy tui vận động phong trào là lủi trốn ráo trọi. Hiếu giải thích tỉnh bơ: “Cái nào chơi được thì nhào vô. Nếu chưa biết thì tập luyện một hồi cũng chơi được thôi!” Thực ra mọi việc không dễ “chơi” như Hiếu nghĩ. Chẳng hạn cậu ấy không rành Facebook. Khi tui chỉ dẫn cho tạm rành thì cậu ấy lại không có máy tính riêng để tham gia làm admin. Đợt tập văn nghệ lớp cho đêm nhạc 20 tháng 11 của trường, Hiếu cũng muốn góp mặt. Nhưng nhỏ Khanh lớp phó văn thể mỹ lật đật kiếm tui, để tôi can thiệp cho Hiếu đừng vô đội tốp ca, lý do là một giọng hát lạc tông sẽ làm hư bột hư đường ráo trọi.

 

Ngực đánh lô tô, nhưng tui cũng phải đứng ra dàn xếp. Chẳng ngờ, nghe lời đề nghị chuyển qua đội cổ vũ, Hiếu rất vui vẻ, ừa liền luôn chứ chẳng giận chút nào. Nghe tôi kể lại, thay vì thở phào, nhỏ Khanh lại làm mặt nghiêm trọng: “Nè, cậu thấy Hiếu có gì đó kỳ kỳ không. Người bình thường đâu có chấp nhận mọi thứ dễ dàng như thế. Tớ thấy tên bạn này có gì đó mà tụi mình chưa hiểu hết đâu!” Tui thở dài. Hiếu học giỏi vậy, hoà đồng vậy, còn mong gì nữa. Thiệt, mấy nhỏ con gái đúng là trùm đa nghi!

Nói cho ngay, không phải tất cả các môn Hiếu đều học giỏi. Trái ngược với các môn tự nhiên xuất sắc miễn chê, môn tiếng Anh là “khắc tinh” với cậu ấy. Sắp tới mấy tiết Anh văn là Hiếu xông tới kiếm tui, nhờ chỉ lại ngữ pháp, cách phát âm từ mới. Tui đoán hồi dưới quê, cậu ấy không có điều kiện học kỹ môn này. Tui nói chuyện với Hiếu, gợi ý để cậu ấy đi học thêm tiếng Anh ngoài trung tâm. Không dè, vừa nghe tui mở lời, tên bạn lắc đầu thẳng băng: “Để tớ tự học. Tới đâu tới. Ngoài trung tâm thu tiền mắc lắm!” Tui sực nhớ hoàn cảnh khó khăn của tên bạn. Nhưng dù sao thì cũng phải tính, vì tiếng Anh không phải là môn tự học được rồi.

Ở trường có quỹ hỗ trợ dành học sinh giỏi hoàn cảnh khó khăn. Thầy chủ nhiệm hướng dẫn tui làm hồ sơ, nói rằng Hiếu phải xin giấy chứng nhận gia cảnh của địa phương nơi cậu ấy sống trước đây, bổ sung vô chung bảng điểm. Tui mang tin mừng chạy tới báo cho tên bạn. Ai dè, vừa nghe “về quê làm giấy”, Hiếu trợn mắt gạt phăng: “Khỏi. Bày đặt. Tớ không nhận học bổng gì hết!” Chưa khi nào tui thấy tên bạn cục như vậy. Kể từ lúc đó, cậu ấy như đổi khác, không còn cười nói, thỉnh thoảng lại đăm chiêu ngó lơ mơ đâu đó. Nhỏ Khanh đoán rằng Hiếu không muốn người khác biết rõ hoàn cảnh của mình. Nhưng tui vẫn không ngừng nghĩ tới khoản học bổng. Số tiền đó đủ để học vài khoá tiếng Anh ngon lành.

Nếu Hiếu không chịu về quê thì ban cán sự lớp sẽ bí mật về quê làm giấy cho tên bạn. Thứ Bảy, thầy chủ nhiệm bận họp không đi được, nhưng rất ủng hộ kế hoạch của tui và Khanh. Thầy gọi điện thoại cho thầy hiệu trưởng nơi trường cũ Hiếu học, báo trước, còn cho tụi tui tiền đi xe đò. Nói là “xa mút chỉ cà tha”, nhưng chỉ ngồi xe hai tiếng là tới.

Thầy hiệu trưởng cũ hỏi thăm về Hiếu rất nhiều, nghe kể tới đâu, thầy cười vui tới đó. Rồi thầy mượn xe máy, đưa tui và nhỏ Khanh vô xã nhà Hiếu, tuốt sâu trong ruộng, lắt léo, đúng là “kiếm cho ra cũng phát mệt”. Thiệt may mắn, chị làm việc ở uỷ ban xã ở ngay gần nhà Hiếu. Chị làm giấy chứng nhận liền. Vừa làm, chị vừa hỏi thăm Hiếu học có được không, có đánh lộn nữa không, có biết nói chuyện với mọi người không. Tui và nhỏ Khanh sửng sốt, tưởng nói về Hiếu nào đó khác. Nhưng thầy hiệu trưởng đã làm hiệu, để cả hai đứa tui mau đứng lên ra về.

Trên đường về, thầy hiệu trưởng kể cho hai đứa nghe câu chuyện của Hiếu. Má cậu ấy mất sớm. Ba lấy vợ khác, phạm tội gì đấy phải đi tù. Từ nhỏ, Hiếu thường bị đánh và bỏ đói. Chỉ khi đến trường, cậu ấy mới vui lên. Đó là lý do vì sao Hiếu rất ham học, càng học càng giỏi. Nhưng cậu ấy rất cục, không trò chuyện với ai, có chuyện gì là giải quyết bằng nắm đấm. Khi cậu ấy xong lớp 10, nhận ra khả năng học của Hiếu, thầy đã tìm nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm, gửi cậu ấy lên thành phố học tiếp. “Trước khi Hiếu lên đó, thầy dặn nó nhiều. Phải cố gắng hoà đồng làm sao. Phải tham gia hoạt động thế nào. Rất mừng là nó đã làm được. Ở dưới đây học hành bài vở cũng xong. Nhưng nhiều người biết hoàn cảnh nó, nó không thoải mái tự tin được. Mấy em biết đó, đi học đâu chỉ là học chữ…”

Trên đường về thành phố, nhỏ Khanh ngồi im bên tui. Câu chuyện của thầy hiệu trưởng về Hiếu, về đường đến trường lạ thường của cậu ấy vẫn ở cạnh hai đứa. Cả tui và Khanh đều nhìn ra ngoài cửa xe, không muốn để đứa kia biết mình đang khóc.

 

Hoàng Giang

$pageOut

Bài Viết Liên Quan:

0 nhận xét :

Post a Comment

Cảm Ơn Bạn Đã Đóng Góp Ý Kiến


Lên Trên