Print Friendly Version of this page In trang nầy Get a PDF version of this webpage Xuất PDF trang nầy
Saturday, October 8, 2016

[Truyện Ngắn] Đơn giản thôi mà

[Truyện Ngắn] Đơn giản thôi mà






$pageIn

Theo kế hoạch, mùa Hè năm đó mọi người cùng nhau thu dọn nhà kho ở sân sau, dỡ bỏ phần mái tôn mục nát, xây lại thành một căn phòng sáng sủa, làm nơi học tập cho lũ trẻ con. Ba anh em tui hí hửng nhắm trước góc đặt bàn của mình. Bà nội còn hứa trích tiền để dành, mua một máy tính trang bị cho phòng học. Nhưng trước khi khung cảnh tuyệt đẹp đó thành hình, phải dọn cho được hàng trăm món đồ cũ chất đống từ bao nhiêu năm qua.

Thu dọn một cái nhà kho vô cùng phức tạp. Tui không thể tưởng tượng nổi một cái kho nhỏ xíu lại cất giữ bên trong nó nhiều đồ đạc đến vậy. Này là bộ bàn ghế cũ đóng từ thời ông bà nội còn trẻ. Chiếc nôi gỗ kêu cót két mà tui và hai nhỏ em gái từng nằm lọt thỏm bên trong. Này là cái kệ ọp ẹp từng là tủ sách mà ba tui rất quý. Rồi chưa kể hàng chục thùng giấy bên trong nhồi đầy những món lặt vặt mà món nào cũng gắn với một vài kỷ niệm xa xưa… Bà nội với má tui cứ nhấc lên đặt xuống, không muốn bỏ gì cả. Ba tui phải hết sức thuyết phục, cả hai mới đồng ý cho người thu mua đồ cũ đến giải quyết đống đồ cũ bừa bộn.

Chỉ có một người đứng ngoài tất cả những lộn xộn đó: Bác Hai – anh ruột ba tui. Bác đã hơn năm chục tuổi, vẫn độc thân nên ở cùng với bà nội và gia đình tui. Bác rất hiền, ít nói và hơi “mơ màng” với cuộc sống thực tế. Người nhà đề nghị điều gì bác cũng gật đầu dễ dàng. Niềm đam mê duy nhất của bác là công việc. Nếu có nói chuyện thì bác cũng chỉ kể về các nghiên cứu phát triển máy móc động cơ ở Viện Cơ khí mà thôi. Thỉnh thoảng tui nhờ bác Hai chỉ cách giải mấy bài tập hóc búa của môn Hình không gian hay Vật lý. Bày cho tui cách giải thật nhanh và lạ, bác luôn miệng nói: “Đơn giản thôi mà!”.

Thế nhưng ông bác dễ tính ấy đã tỏ ra hết sức sửng sốt khi bà nội hỏi ý kiến về việc bán đi cái xe máy cũ rỉn, các bộ phận chỉ gắn vào nhau một cách tạm bợ, hơn hai chục năm qua im lìm ở góc trong cùng của nhà kho. Nhìn thấy chiếc xe khênh ra giữa sân, bác Hai ôm trán, không ngừng lẩm bẩm: “Ôi, xe của tôi! Chiếc xe đầu tiên của tôi!”. Khi người thu mua đồ cũ hỏi giá, bác cương quyết lắc đầu: Có thể bán tất cả mọi thứ thuộc về bác, trừ chiếc xe máy đó.

Không ai có thể thay đổi ý muốn của bác Hai. Ngay cả bà nội cũng không hiểu vì sao bác lại trở nên khó tính như vậy. Suốt một tuần nhà kho được xây lại, vôi bụi bay tứ tung, bác mang tấm mền xuống trùm kỹ cho chiếc xe cũ. Bà nội và má tui xì xào, e rằng bác Hai chưa già nhưng đã có dấu hiệu gàn dở. Ba tui không đồng tình. Ba nói mấy người bề ngoài khô khan thực ra bên trong rất tình cảm. Ba vẫn nhớ hồi ba còn nhỏ, chính bác Hai đã chở ba dạo phố, đi ăn kem trên chiếc xe cũ đó. Mà chiếc xe cũng chính bác Hai mua bằng tiền dành dụm khi đi làm năm đầu tiên. Bà nội chép miệng, thở dài: “Thì má nhớ chứ. Hồi anh Hai con mua, cái xe cũng đã cũ rồi. Chính tay nó phải sửa tới sửa lui mới chạy được đó. Nay đời sống khá lên, thì bỏ đi cho rộng chỗ. Vậy mà còn ráng giữ cái đống sắt vụn!” Ba tui lắc đầu, chốt lại: “Thôi, má và mọi người đừng bận tâm tới cái xe nữa. Coi như tôn trọng ý kiến anh Hai!”.

Thế là chiếc xe cũ nhèm xấu xí giành một chỗ chễm chệ ngay trong phòng học đẹp đẽ sáng trưng của mấy anh em tui. Ý định kê bàn học ngay cửa sổ nhìn ra cây mận của tui đành dẹp bỏ vì vị trí đó đã bị chiếc xe chiếm gọn. Riết rồi anh em tui cũng quen, không ý kiến ý cò gì nữa.

Hai năm cuối trung học, từ một tên chểnh mảng, tui bỗng học khá lên. Cũng chẳng phải phép màu gì, chẳng qua tui đã nhìn thấy con đường nhất định phải đi sau này: tui muốn học ngành chế tạo máy. Mấy kỳ thi Olympic môn Vật lý, tui đều hăng hái tham gia. Một giải thưởng bất ngờ đã tới: Tui có tên trong danh sách tham gia một chương trình học kỳ mùa Hè ở châu Âu. Trong lịch trình, có tham quan viện bảo tàng kỹ thuật, trưng bày từ chiếc xe đạp thô sơ đầu tiên cho đến máy bay hiện đại bậc nhất. Tui sướng rơn. Tuy nhiên, có một điều kiện khó khăn: Nhà tổ chức chỉ đài thọ chi phí học tập và ăn ở. Còn vé máy bay học sinh phải tự lo. Tính ra, số tiền lên tới năm chục triệu. Ba má tui đâu có dư giả. Chưa kể hết Hè, phải dành dụm lo cho cả ba đứa con vô năm học mới. Tui thẫn thờ hiểu rằng giấc mơ đã trôi qua.

Không ai tin rằng cái xe trùm mền có giá tới năm chục triệu. Nhưng sự thật là sau khi bác Hai hì hụi ráp lại các bộ phận máy móc, gia cố và chỉnh sửa động cơ, đổ dầu và tra nhớt, cỗ xe cũ kỹ đã nổ máy giòn tan. Một vị khách tới xem, trầm trồ xuýt xoa trước giàn máy nguyên bản. Với mức giá bác Hai đưa ra, anh ấy gật đầu tức khắc, để được đón chiếc xe Vespa cổ về nhà.

Giờ thì cả nhà mới vỡ lẽ “đống sắt vụn” hóa ra thật có giá trị. Thấy vẻ mặt bần thần của tui, bác đặt bàn tay lên vai tui, cười xòa: “Kỷ niệm nào cũng quý. Nhưng nếu kỷ niệm có ích cho tương lai, thì còn quý hơn. Đơn giản vậy thôi!”.

Tui nắm bàn tay gầy gầy của bác Hai. Thật ấm áp khi phát hiện trong suy nghĩ của người khác, mình chính là tương lai và được yêu thương theo cách đặc biệt.

 

Cường P.

$pageOut

Bài Viết Liên Quan:

0 nhận xét :

Post a Comment

Cảm Ơn Bạn Đã Đóng Góp Ý Kiến


Lên Trên