Print Friendly Version of this page In trang nầy Get a PDF version of this webpage Xuất PDF trang nầy
Thursday, October 6, 2016

[Trà Sữa Tâm Hồn] Những ngày hè xanh biếc

[Trà Sữa Tâm Hồn] Những ngày hè xanh biếc






$pageIn

Ruộng rau buổi trưa nắng loá cả mắt, Diệu cúi gập lưng, đầu đội cái nón lá cũ vừa mượn được của cô chủ nhà, một tay cắp cái rổ, cáu kỉnh ngắt (vặt chứ!) từng cọng rau muống. Cái buổi họp sáng nay làm Diệu thất vọng ghê gớm.

Từ đầu mùa hè, khi biết mình sẽ được tham gia đội sinh viên tình nguyện, Diệu đã mừng ơi là mừng. Diệu mới học lớp 11, nằm mơ cũng không thể tưởng tượng nổi… May mà chị Phúc bị đau chân (hic, phỉ phui cái mồm, ý Diệu là … trong cái rủi lại có cái may). Chả là, khi Đội tình nguyện đã chốt danh sách xong xuôi thì bà chị yêu dấu của Diệu tự dưng tay chân quờ quạng thế nào lại làm đổ nguyên cả “con” Attila mập ú vào chân. Thế là sưng vù, thế là thành mặt “bánh đa ngâm nước”, thế là cuống lên. Diệu bước chân vào nhà đúng lúc giọng nữ cao của bà chị đang vút lên… tầng mây thứ 7: “Tìm ai để thay tớ bây giờ, hả giời?”. Thế là Diệu sà ngay vào bàn, chỗ chị nó và một anh bạn đang ngồi. Mất thêm 2 phút hoa chân múa tay, miệng nói, mắt nói, Diệu muốn nhảy cẫng lên khi anh Đội trưởng (ra anh ấy là đội trưởng Đội tình nguyện cơ đấy) gật đầu cái rụp.

Gì chứ, việc này Diệu làm thừa sức. Dạy học hè cho bọn trẻ con, đúng sở trường đấy nhá, Diệu yêu trẻ con này, Diệu lại là học sinh giỏi Văn này, mà Diệu lại có mơ ước được làm giáo viên nữa. Nên Diệu háo hức lắm lắm ấy. Tưởng tượng cảnh Diệu đứng trên bục giảng, say sưa ngâm một bài thơ, lũ trẻ con ngồi dưới mắt tròn vo, miệng cũng tròn vo, nghe như nuốt lấy từng lời… Ui da, chỉ mới nghĩ thế thôi mà Diệu thấy lòng phấn chấn vô cùng, đến mấy hôm sau vẫn không thể đi đứng bình thường được, hễ cất bước là nhảy chân sáo. Cảm giác như muốn bay lên ấy!

 

***

 

Thế mà hôm nay, vẫn cái anh Đội trưởng ấy (hôm trước Diệu đã “hào phóng” cho anh ấy 10 điểm dễ thương đấy!) dội nguyên một gáo nước lạnh vào cái đầu đang bừng bừng khí thế của Diệu.

Các đội viên tình nguyện đều được quyền đăng ký công việc theo sở trường. Diệu ký cái roẹt vào mục Văn học – cấp 2. Bao nhiêu là khấp khởi! Suốt mấy tháng, Diệu đã mua sách về ôn, đọc thêm sách tham khảo, lại còn đứng trước gương tập giảng bài nữa chứ. Lúc đầu, Diệu nhờ chị Phúc đóng làm học sinh, Diệu tay sách tay phấn, cũng ghi bảng đen roèn roẹt, cũng đặt câu hỏi, gọi phát biểu… như thật. Nhưng mà chị Phúc đúng là đồ… diễn viên dỏm, chị ngồi dưới nghe Diệu giảng bài, rất trật tự, nhưng cái miệng cứ mím mím, mắt lại nheo nheo, rõ là đang cố… nín cười. Diệu không làm sao tập trung được, thế là không thèm nhờ nữa, Diệu giảng cho cái gương và mấy bé gấu bông còn hơn. Hứ, thế mà đòi làm chị, mà hơn người ta những 3 tuổi….xì..i..i (trước khi hậm hực chuyển “lớp học” đi chỗ khác, Diệu đã “tặng” lại bà chị đang nhăn nhở một cái nguýt, dài đúng… 1km).

Rồi Diệu hăm hở khoác ba lô lên đường. Đi tình nguyện có nghĩa là phải xa nhà, lần đầu tiên đấy, mà những 3 tuần cơ. Bao nhiêu là kỳ vọng!

Ai mà ngờ được mọi chuyện lại xoay chuyển thế này! Tất cả chỉ tại cái anh Đội trưởng “mặt sắt” ấy (trừ 5 điểm dễ thương cho vụ “ác ôn” này!). Lúc anh ấy đọc danh sách phân công, Diệu tưởng Diệu nghe không rõ. Diệu được phân công phụ trách lớp “tổng hợp”, trời ạ! Cái gọi là ‘lớp tổng hợp” ấy là 1 lớp học có 11 nhóc với… 4 trình độ khác nhau: lớp 1 đúp, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 (trong đó, còn 1 em lớp 3 đúp nữa), hic. Diệu giơ tay phản đối ngay tắp lự. Nhưng tất cả đã được an bài. Mặc cho Diệu nhìn anh Đội trưởng đầy ai oán. Mặc cho giọng nói đã lạc đi, ngầm “tố cáo” về những giọt nước mắt đã xếp hàng ngấp nghé sau bờ mi đang bị cô chủ ‘mít ướt’ tìm mọi cách chặn lại…

Tan họp, Diệu bước thật nhanh về trước. “Lớp tổng hợp” có nghĩa là ‘cô trông trẻ”, có nghĩa là tan tành giấc mơ cô giáo dạy Văn với những vần thơ trữ tình lai láng. Ôi, chị Phúc sẽ cười Diệu thối mũi, mẹ và bố sẽ thất vọng lắm lắm, rồi còn bọn bạn, Diệu đã hí hoét khoe tưng bừng khắp nơi. Bây giờ thì rõ là, “cô trông trẻ”, tưởng gì… thật là ê cái mặt… Diệu về đến sân, nghĩ thế nào cuồng cẳng lại muốn đi ra. Thế là vớ đại cái rổ, cái nón, Diệu chạy ra ngoài ruộng rau, còn cố làm ra vẻ bình thường bảo thằng bé con cô chủ nhà “Chị đi hái rau về luộc nhé”.

Và bao nhiêu hờn giận, Diệu trút cả vào đám rau muống xanh ngăn ngắt vô tội kia. Diệu thò tay vặt mạnh cọng rau muống, cọng rau xanh giòn kêu đánh tách dưới tay. Hừm, tưởng tượng đây là… cánh tay anh Đội trưởng nhỉ, Diệu sẽ véo thật mạnh thế này, sẽ cấu một cái thật đau thế này. Cứ thế, những cọng rau muống bị ngắt vặt không thương tiếc dưới bàn tay Diệu. Mỗi cọng rau là một cái… cấu chí tử. Một hồi thì đã ăm ắp rổ. Thôi, cấu thế cũng đủ… bầm tím cả tay rồi 😉 Diệu cắp rổ rau đi về, bụng cũng thấy nguôi nguôi…

Anh Đội trưởng đã mở một cuộc họp riêng với Diệu, giải thích nguyên nhân, mục đích và thuyết phục Diệu hài lòng với sự sắp xếp “theo anh là thích hợp nhất và chắc chắn em sẽ làm tốt việc này”. Kết thúc buổi họp là một… gói “chíp chíp” và một gói kẹo mềm – “dụng cụ giảng dạy chuyên dụng đấy ” – anh Đội trưởng nháy mắt nói thế với Diệu trước khi về. “Chíp chíp” cho cô giáo và kẹo mềm cho các trò. (Ơ, làm sao mà anh ấy biết là mình thích ăn kẹo “chíp chíp” nhỉ???…). Mặc dù vậy, Diệu vẫn thấy ấm ức thế nào ấy. Nhưng là một thanh niên tình nguyện, thì phải biết chấp hành sự phân công của đội, bất kể những lăn tăn vẫn gờn gợn trong lòng.

 

***

 

Đội tình nguyện mượn tạm nhà dân làm lớp học. Diệu thân với bọn trẻ con dễ dàng (thì sở trường mà lị). Lần đầu tiên, Diệu được nghe học trò bé gọi cô xưng con ngọt lịm, nghe vừa lạ lẫm vừa thấy trách nhiệm hơn hắn. Lớp của Diệu có 11 nhóc, lớn bé lố nhố, ngồi chụm đầu quanh hai cái bàn gỗ kê chập lại. Học trò bé hơi lấm lem một chút nhưng mắt đứa nào cũng trong veo.

Vì lớp có nhiều trình độ, nên Diệu phải chia thành từng nhóm và khéo léo sắp xếp môn học. Chẳng hạn, khi nhóm lớp 1 và lớp 1 đúp tập viết chữ theo mẫu, thì nhóm lớp 2 làm toán, còn nhóm lớp 3 và lớp 3 đúp sẽ tập chép chính tả… Diệu xoay như chong chóng trong cái lớp học đó, phải luôn luôn để mắt đến cả 3 nhóm, kẻo không, học trò bé rất mau chán, dễ quay sang nghịch ngợm hoặc… ngủ gật.

Mỗi giờ ra chơi, Diệu lại ngồi bệt xuống nền nhà kể chuyện cổ tích, học trò bé vây xung quanh. Đứa nào cũng muốn chiếm được “chỗ ngồi vàng” (ấy là nói cái chỗ trong lòng cô giáo đấy). Trước khi kể chuyện, thế nào Diệu cũng phải dành mấy phút để “phân xử” chỗ ngồi. Học trò bé rất thích nghe Diệu kể chuyện, say sưa như ăn một món “đặc sản”, mắt cũng ô, miệng cũng a theo mỗi tình tiết câu chuyện. Anh Đội trưởng thỉnh thoảng qua thăm lớp của Diệu, có lúc chỉ đứng ghé mắt bên cửa sổ một hồi rồi đi. Có lúc đến đúng giờ ra chơi, anh ngồi lại trò chuyện, bày trò chơi với bọn trẻ cho Diệu tranh thủ nghỉ… cái miệng một lát. Anh hay đem kẹo bánh chia cho bọn trẻ con, lần nào cũng để riêng một gói “chíp chíp” phần Diệu (vớt lại 2 điểm trừ hôm trước cho sự dễ thương của anh ấy vậy 😉 ).

 

***

 

Chủ Nhật, mượn được cái xe đạp, anh Đội trưởng rủ Diệu đến thăm nhà học trò bé trong lớp. Diệu gật ngay, nhớ đến những lần tụi nhóc tranh nhau “xí phần” mời cô giáo tới nhà chơi.

Không ngờ nhà học trò bé xa thế. Nhà nhóc Du phải đi hết một cánh đồng mới tới. Diệu ngẩn người, thế mà đôi bàn chân tí hon của học trò bé vẫn đều đặn ngày hai buổi đi về một mình, Du lại là “chuyên gia” đi học sớm, sáng nào cũng thấy lấp ló ngoài cổng nhà chờ đón cô giáo cùng đến lớp. “Nó thích đến lớp học của cô giáo Diệu lắm, tự giác dậy sớm, ăn cơm nguội, tự mặc quần áo và tự đi đến lớp. Bây giờ hình phạt mà cu cậu sợ nhất là không cho đi học đấy. Năm ngoái bị đúp, cu cậu chán học, cứ đòi bỏ”. Mẹ học trò bé xởi lởi khoe thế, làm Diệu ngượng ghê, mặt đỏ hết cả lên, phải quay đi tránh cái nhìn đầy ngưỡng mộ của anh Đội trưởng.

Anh Đội trưởng dẫn Diệu đi một vòng nhà học trò bé. Những ngôi nhà đơn sơ đến ngơ ngác, không có thứ đồ đạc nào giá trị ngoài cái TV (có cái còn là đen trắng). Có những ngôi nhà trống huơ trống hoác, tường nhà được làm bằng bùn đất trộn với rơm, những cánh cửa bằng tre liếp hầu như chẳng đóng kín bao giờ (trộm cũng chẳng màng). Diệu bùi ngùi nhớ đến căn phòng được “trang bị đến tận răng” của mình. Anh Đội trưởng bảo xã nghèo lắm, ít đất, đất lại không tốt, bố mẹ học trò bé lăn lưng ngoài đồng từ sáng tới tối, hoặc chạy chợ bán tí rau tí quả trồng được. Tối về mệt lử, lại sợ tốn điện, nên cả nhà lại tắt TV, tắt đèn đi ngủ sớm. Thảo nào, những câu chyện cổ tích Diệu kể đã lôi cuốn học trò bé đến vậy. Cả những cái xoa đầu âu yếm, những nụ cười, những dịu dàng, những trìu mến… với Diệu thì tự nhiên như hơi thở, nhưng với học trò bé, lại giống như một thứ “xa xỉ phẩm”, hiếm hoi, lạ lẫm.

Đến nhà nhóc nào Diệu cũng nhận được sự đón tiếp nồng hậu. Bố mẹ học trò bé vui mừng đến bối rối, hai ngón tay cứ vặn vào nhau, than “sao cô giáo đến không báo trước, nhà chẳng có gì để mời cô?”. Học trò bé thì hớn hở reo mừng, dắt tay cô từ cửa vào và cứ thế ôm ghì cánh tay cô cho đến tận khi cô đứng dậy ra về. Trên tường nhà học trò bé dán đầy những bông hoa giấy màu vàng Diệu cắt. Diệu ra qui định với học trò bé, mỗi ngày đến lớp, nếu con nào ngoan ngoãn, học chăm chỉ, cô giáo sẽ phát “Hoa vàng chăm ngoan”, ngoan nhiều thìđược 3 bông, ngoan ít hơn thì 1 bông, 2 bông. Diệu cứ đứng tần ngần lâu thật lâu trước bức vẽ dán trên tường nhà Tiến Anh, cậu bé vốn là học sinh cá biệt ở trường. Bức tranh vẽ một cô gái đang cầm quyển sách mà Diệu nhìn mãi chỉ thấy giống mình ở điểm…. tóc dài, nhưng ở dưới là chữ Tiến Anh nắn nót “cô giáo Diệu của con”.

Tối về, Diệu lăn quay ra ốm, cả một ngày dang nắng còn gì. Hôm sau, Diệu vẫn cố gượng dậy, còn phải đến lớp nữa chứ, học trò bé chắc đã đến đông đủ cả rồi. Nhưng mà trời đất cứ quay quay thế nào ấy? Hay là Trái đất hôm nay “đổi gió”, quay kiểu khác cho vui? Diệu đã xách cặp ra đến cửa, thế mà lại phải quay lại giường nằm vật xuống. Bó tay.com rồi, hic.

Diệu nằm được một lúc thì nghe tiếng chó sủa váng nhà. Rồi cứ thấy lao xao lao xao ngoài cổng. Diệu mò dậy, và ngẩn người khi thấy nguyên cả đám học trò bé ngoài cửa. Líu ríu bu quanh Diệu, học trò bé tíu tít hỏi thăm. Những bàn tay bé xíu cứ bám lấy tay Diệu lắc lắc lo lắng. Một đứa dúi vào tay Diệu gói khoai âm ấm “Cô ơi, mẹ cho con ăn sáng, con để dành cô ăn cho mau khỏi ốm”. Nhóc Du từ bên ngoài chen vào sát bên Diệu, hai tay nắm chặt mấy cành hoa găng tím (híc, chắc là mới hái ở hàng rào bên cạnh đây mà) “Con tặng cô ạ”. Thế là cả đám học trò bé rời cô, chạy ra ngay hàng rào bên cạnh, nhón chân, vin cành, mỗi đứa cố hái một cành hoa găng và xúm xít lại tặng cô.

Diệu ôm cả nắm hoa găng tím trong tay, hai mắt rưng rưng. Và chẳng hiểu sức lực ở đâu tràn về, Diệu thấy mình khoẻ hẳn lên, như chưa hề có cơn sốt tối qua. “Nào, các con, chúng ta cùng đến lớp nào”. Học trò bé hân hoan nhảy cẫng lên “Đi học, đi học thôi”. Diệu quay người định bước vào nhà lấy sách vở, mắt chợt dừng lại ở phía bên kia hàng rào, anh Đội trưởng đã đứng đó từ lúc nào, mặt cứ ngẩn ra, trông “ngốc xít” không thể tả. Diệu bất giác toét miệng cười một cái rõ tươi (không phải cười với anh ấy đâu đấy!). Vụ 3 điểm trừ dễ thương hôm nọ, chắc là Diệu sẽ vớt lại cho anh ấy, nhưng vớt bao nhiêu điểm thì Diệu còn phải… nghĩ đã 😉

Kẹo Mút

$pageOut

Bài Viết Liên Quan:

0 nhận xét :

Post a Comment

Cảm Ơn Bạn Đã Đóng Góp Ý Kiến


Lên Trên