Print Friendly Version of this page In trang nầy Get a PDF version of this webpage Xuất PDF trang nầy
Thursday, October 6, 2016

[Trà Sữa Tâm Hồn] Theo một cách tích cực

[Trà Sữa Tâm Hồn] Theo một cách tích cực






$pageIn

Austin không phải là học sinh hư, cậu bé hiểu rất rõ phải cư xử thế nào mới là một người văn minh. Nhưng hôm đó, khi lục lại balô và nhận ra rằng mình đã để quên một cuốn vở bài tập quan trọng ở nhà, trong khi cô bạn tổ trưởng cứ nhất định không tin rằng cậu đã làm bài tập, Austin vô tình buột miệng ra một từ xấu xí – dù không nhằm vào cô bạn.

Cô bạn tổ trưởng lập tức thông báo với cô giáo, và Austin được “mời” ở lại trường sau giờ tan học.

– Có phải em đã nói ra từ đó không? – Cô Geuder, cô giáo của Austin, hỏi.

– Đúng ạ, thưa cô – Cậu bé 12 tuổi đáp, thừa nhận hành vi của mình.

– Cô đã nói nhiều lần rằng thứ ngôn ngữ đó không được chấp nhận trong lớp của chúng ta – Cô giáo nói tiếp.

– Em biết, thưa cô – Austin đáp – Em xin lỗi. Lẽ ra em không nên bực tức và nói ra như vậy.

Cô Geuder nhìn Austin rồi nói:

– Cảm ơn em đã nói sự thật. Cô rất mừng vì em đã nhận lỗi. Tuy nhiên, cô vẫn sẽ phải viết một thông báo về việc em bị phê bình do dùng những lời nói xấu xí trong lớp học. Em cần mang tờ thông báo về cho gia đình, sau đó mang trả lại cho cô khi đã có chữ ký của phụ huynh. Ngoài ra, em sẽ bị phạt trực nhật lớp trong suốt tuần tới.

– Em biết, thưa cô – Austin thở dài.

Tờ thông báo về việc Austin bị phê bình hôm đó được viết rất đơn giản và thẳng thắn. Trong đó viết đầy đủ họ tên, ngày tháng, lớp, tên cô giáo, và lỗi vi phạm. Cũng có khoảng trống dành cho nhận xét và chữ ký của phụ huynh.

Đối với hầu hết mọi người, đó là một tờ thông báo cực kỳ bình thường, nhưng đối với Austin thì không. Rất nhiều năm sau đó, Austin trở thành một thầy giáo. Và thứ duy nhất cậu giữ lại trong số sách vở, giấy tờ, sổ liên lạc… từ hồi học sinh lại chính là tờ thông báo phê bình của năm học lớp 6. Không ít lần, cậu lấy nó ra đọc lại để làm bài học cho chính mình, hoặc kể câu chuyện đó cho những học sinh thân thiết nhất của mình nghe.

Vì trong tờ thông báo, sau phần lỗi vi phạm, còn có ghi chú của cô Geuder:

“Austin thật sự có phản ứng rất tích cực với việc bị phê bình. Em không cố gắng cãi lại hoặc phủ nhận sai lầm của mình. Em đã nhanh chóng nhận trách nhiệm và sẵn sàng chấp nhận những hệ quả do hành vi của mình gây ra. Về mặt này, Austin thật sự là một học sinh tốt và đáng khen. Tôi tin rằng em sẽ trở thành một người đáng tin cậy trong tương lai”.

Khi kể lại cho học sinh của mình nghe, Austin luôn kết luận:

– Đọc tờ thông báo phê bình của cô Geuder, thầy lại thấy mình… được khen ngợi. Bởi vì cô nhấn mạnh vào những điểm đáng khen và tiến bộ của thầy. Cô không chỉ trích thầy là học sinh xấu xa, hư hỏng. Cô chỉ đơn giản nói rằng học sinh của mình đã phạm lỗi, bị phạt – chỉ thế thôi, và ngợi khen. Thầy luôn hy vọng mình cũng có thể giúp các em nhìn được những điểm tích cực ở chính bản thân mình như vậy.

Bởi vì không phải là dễ để xử lý một tình huống tiêu cực theo một cách tích cực. Nhưng khi bạn làm được như thế, sức lan toả của bạn sẽ mạnh mẽ hơn nhiều so với mức bạn có thể tưởng tượng.

 

Chick Moorman

Thục Hân (dịch)

$pageOut

Bài Viết Liên Quan:

0 nhận xét :

Post a Comment

Cảm Ơn Bạn Đã Đóng Góp Ý Kiến


Lên Trên