Print Friendly Version of this page In trang nầy Get a PDF version of this webpage Xuất PDF trang nầy
Thursday, November 17, 2016

[Truyện Ngắn] Tay mỡ, nữ hoàng và vợ đậu

[Truyện Ngắn] Tay mỡ, nữ hoàng và vợ đậu






$pageIn

(Đặc biệt, cho những ai đã từng “quen” rồi “thân”
với các nhân vật: Tèo, Kính, Nhợn từ HHT 980 và HHT 993).

Người kể chuyện mới

Chào các bạn. Rất hân hạnh khi được gặp lại các bạn với những câu chuyện của nhà Tèo. Tôi là Kính.

Các bạn hẳn sẽ thắc mắc cái đứa bình thường vẫn xưng “tôi” đi đâu mà Kính tôi lại phải chấp bút. Xin thưa, nó đang ngồi đối diện tôi, mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ, nhưng cũng sẵn sàng quay lại oánh tôi “bẹp mỏ” (từ của nó) nếu tôi có viết gì xúc xiểm làm mất hình tượng nó. (“Làm gì có hình tượng mà mất!” – Tôi lẩm bẩm.)

Quay lại chuyện tại sao tôi phải thay nó kể lể cà kê. Chả là, sau khi câu chuyện xuất hiện, các nhân vật được dư luận đem ra mổ xẻ rôm rả. Đến lượt con nhỏ đó thì mọi người mới phát hiện ra là… nó không có tên gì cả, nó toàn xưng tôi!

Bạn đọc thắc mắc, tôi bảo nó trả lời. Nó bảo: “Nhưng tớ nhiều tên quá lấy tên gì bây giờ?”.

Với lịch sử bạn bè hàng chục năm có lẻ, tôi xin xác thực: Đúng là nó nhiều tên quá thể. Bọn cấp Hai gọi nó là Nấm vì trông nó như cây nấm, bọn cấp Ba gọi nó là Ngựa vì nó lúc nào cũng tung tẩy lọn tóc đuôi ngựa, nhưng bọn lớp học thêm tiếng Anh gọi nó là Thỏ vì nó… răng thỏ, còn một chị lớp trên gọi nó là Antonio vì, theo lời chị í, nó giống hệt con mèo tên như thế trong một cuốn truyện tranh, vân vân và vân vân…

– Chỉ có một mình cậu mà mang tên của đủ các thể loại động thực vật, sao cậu không tên là Zoo nhỉ! – Tôi gợi ý.

Thế là nó cho tôi uống “thanh thủy” (tạm dịch là “nước sôi để nguội”) thay vì ca cao nóng. Grừ.

“Trời ơi nhiều chuyện quá. Lấy đại cái tên ở nhà, như Tèo í!”. Có bạn ý kiến như thế. (May mà bạn ở xa nên nó không mời bạn uống “thanh thủy” như tôi!) Vấn đề là tên ở nhà của nó lại cũng không đơn giản như Tèo, mà lại gắn với một lịch sử, ái chà, không được tự hào cho lắm.

Thế đấy, khi nói một chuyện (có vẻ là) xấu hổ thì người ta khó có thể tự nói được. Nó chưa cần mè nheo thì tôi cũng biết cái “trách nhiệm” kể lể đã trút lên vai tôi rồi. (Không lẽ là Tèo – ba tuổi? Hay con Nhợn – bốn tháng tuổi?)

Sau đây, câu chuyện về những cái tên của Nó – xin phép được bắt đầu.

Bàn tay mỡ

Nhờ kinh nghiệm bao nhiêu năm làm bạn Nó, hễ có hôm nào gặp mà thấy Nó mặt ỉu xìu như bánh đa nhúng nước và phảng phất tí ngẩn ngơ… tiếc của, tôi sẽ biết ngay đã có chuyện gì.

“Lại làm vỡ cái gì hả?”

Chỉ chờ câu hỏi đó của tôi, Nó sẽ bắt đầu “tuôn” xối xả. Và mặc dù là tường thuật gián tiếp nhưng lần nào tôi cũng thấy đau tim với những câu chuyện kiểu như này:

“Tớ đang đặt cái bát tô ở trên bếp ga, cạnh nồi canh ấy, để múc canh. Thì tự dưng cái bát trượttt một cái rơi luôn xuống đất.” (Hả!)

“Tớ lấy bát canh ra khỏi lò vi sóng, đã lót tay cẩn thận. Đang bê dở chừng thì bỗng đâu cái bát tuột khỏi tay…” (Ối giời ơi!) “Mà đấy là cái bát rất to, dày và hoa màu xanh đẹp lắm, huhu…”

“Tớ làm rơi… cuộn len, thế mà vỡ luôn cái chén…” (Cái gìiii???)

“Cái cốc thủy tinh thứ năm trong bộ sáu cái, đã, một lần nữa, vỡ trong lúc rửa bát…” (Ặc ặc ặc…)

Thậm chí, khi chúng tôi gặp nhau vào mùng Năm Tết, đã thấy nó mặt đầy tội lỗi: “Từ Tết đến giờ, hôm nào rửa bát tớ cũng làm vỡ một thứ!” (Kiú tôi vớiii!!!)

Vì là bạn tốt nên tôi không thể thốt lên những cái từ cảm thán như thế kia vào mặt Nó. Ngược lại, tôi tỏ vẻ rất cảm thông, chia sẻ. Ví dụ như thế này:

– Ồ, đầu năm làm vỡ bát là có lộc đấy. Cậu không tin tớ giở sách cho xem.

– Thôi thôi khỏi. Bạn giở xong đống bách khoa toàn thư đấy thì hết Tết mất!

– Vớ vẩn. Dám nghi ngờ năng lực khoa học của tớ à.

Nó cười phớ lớ rồi kéo tôi đi luôn. Đấy, tôi cứ phải giải quyết các thể loại tâm trạng của Nó như thế đấy!

Nhưng… tôi làm sao mà ngăn cản được chuyện Nó dính phải cái biệt danh kia!

Chả là ở xí nghiệp của Mẹ, những công nhân lành nghề, có thành tích lao động sẽ được phong tặng danh hiệu “Bàn tay vàng”. Với tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ, Mẹ đã đem cái danh hiệu ấy về và “cải biên” thành Bàn tay mỡ, dành tặng con nhỏ “lành nghề” đầy thành tích… phá hoại.

Kể ra Bố Mẹ cũng vẫn tử tế chán vì bình thường, hai người vẫn gọi tên tục của Nó. Chỉ mỗi khi sự cố xảy ra thì “nghệ danh” kia mới được réo lên. Chẳng hạn:

– Đứa nào làm vỡ cái nắp ấm của tao? Lại Bàn tay mỡ hả? – Bố hỏi.

– Không phải con! Con Nhợn! – Bàn tay mỡ* Nó ấm ức.

– Ai lại làm vỡ lọ gia vị rồi? Tay mỡ đúng không? – Mẹ hỏi.

– Không phải con!

– Anh đấy! – Bố rón rén.

“Thật không thể tưởng tượng nổi khi nhà này vỡ mười thứ thì cả mười đều đổ lên đầu tớ! Tớ chỉ gây ra… tám vụ thôi mà!” Tay mỡ Nó kêu khóc. “Lại còn suốt ngày “phải cho mày năm trăm ma sát vào tay” nữa chứ”.

– Thôi không sao. Năm nay bọn mình sẽ đi xin chữ “Ma sát” cho bạn. – Tôi an ủi.

(* Ghi chú: các phần chữ bị gạch ngang như thế này là do Nó kiểm duyệt và bắt tôi gạch bỏ)

“Nữ hoàng” sinh tố

Danh hiệu mĩ miều này được tôi và Tèo biểu quyết 200% tán đồng dành cho Nó (chẳng qua hồi đó chưa có Nhợn chứ nếu có Nhợn thì tỉ lệ sẽ là 300%, thề luôn!). “Nữ hoàng” sinh tố – đơn giản là người phụ nữ làm bạn kinh hoàng với món sinh tố!

Chả là đợt nghỉ hè, Tay mỡ Nó bảo Mẹ cứ để nó chợ búa cơm nước “giúp đỡ bố mẹ”. Tôi thấy Mẹ trao quyền cho Nó mà một lòng… nghi ngờ.

Ngày nghỉ đầu tiên, nó hú tôi sang ăn sinh tố bơ. Giời ạ. Sinh tố bơ cơ mà! Tôi quên béng cả trời nắng nôi, quên béng cả việc Nó-là-đầu-bếp-kiểu-gì, vù vù chạy qua. Thực tôi cũng nghĩ rồi: Sinh tố bơ thì làm sao mà làm sai được! Mà nếu có vấn đề gì thì… tôi vẫn còn ở đấy chữa cháy, không lo!

Hí ha hí hửng, tôi cả Tèo ngồi im xem nó “tác nghiệp”. Ờ thì cắt bơ, cho vào máy. Rồi cho sữa, cho đá… Tôi chăm chú theo dõi, chưa thấy làm sao.

Xong Nó hồn nhiên bấm máy.

Roẹttt… toẹt toẹt toẹt…

Bất động. Chúng tôi… trân trân nhìn nhau. Nắp máy xay sinh tố không được đậy cẩn thận đã bung ra, hỗn hợp bơ sữa đá nát nhoét bắn tung tóe từ đầu đến chân cả ba đứa, xanh lét lem nhem như ba con ếch lấm bùn. Tôi cú, mà không nhịn được cười nhìn hai đứa hề trước mắt. Nó cũng không thể không cười lăn lóc vì bộ dạng vừa nhem nhuốc vừa sững sờ ngác ngơ của những đứa còn lại. Chúng tôi lăn lộn cười. Trong lúc đó, Tèo đã kịp đưa tay lên… mút.

– Sinh tố chị làm ngon ngon! – Tèo nhảy tưng tưng và quay ra liếm tiếp mu bàn tay rồi khuỷu tay… Ối giời ơi!

Chúng tôi lôi Tèo vào nhà tắm. Tèo vẫn không ngừng thét lên trên đường đi:

– Tèo ăn sinh tố ngon ngon ngon ngon ngon…! Tèo sinh tố. Tèo tố tố…!

– Tớ tắm cho nó, cậu ra… dọn bãi chiến trường nhé! – Tay mỡ Nó phân công công việc rất nhanh.

Cũng nhanh không kém, tôi dọn dẹp rồi chạy ù về nhà tắm. (Nhân lúc buổi trưa vắng vẻ, không ai để ý.)

– Ê, bỏ về lúc nào thế? Quay lại đi, còn bơ mà! – Nữ hoàng sinh tố Nó sốt sắng gọi.

– Thôi, tớ bị… sốt rồi. – Tôi thoái thác ngay. – Chắc tại chạy đi chạy lại mấy vòng giữa trưa nắng í…

Người tôi vẫn còn thoang thoảng mùi sữa nồng nồng…

Vợ anh Đậu

Thật là không ngoa một tí nào khi nói rằng tôi đã trải qua một mùa hè đầy sóng gió với Tay mỡ (hay còn gọi là Nữ hoàng sinh tố) Nó.

Món duy nhất, tự hào nhất, “tủ” nhất của Nó là canh riêu cua. Nó có thể làm ngon lành từ đầu tới cuối món đó. Nhưng chỉ món đó mà thôi!

Tất nhiên không có ai có thể ăn canh riêu cua quanh năm ngày tháng. Nó phải học cách nấu các món đơn giản sơ đẳng thường ngày. Và chướng ngại vật to bự của nó là món… thịt rang.

“Bạn ăn thử điii. Rồi nhận xét khách quan vào. Tại sao cả nhà lại không chịu ăn chứ, huhu?”.

Thú thực, mỗi lần nó “mời” như thế là một lần trải nghiệm để đời cho tôi. Lần thì mặn chát, thế là rút kinh nghiệm, lần sau nó… không cho nước mắm. Món thịt rang thành ra giống như món thịt trộn muối mà vị muối đi đằng muối, thịt đi đằng thịt. Lần khác, thịt khô như… thịt bò khô (mà tiếc là chẳng ngon như thế!)…

Còn phải ăn thử món thịt kiểu ấy chắc tôi chết! Tôi đành quay ra Google kết hợp với học lỏm cách mẹ tôi làm rồi chỉ cho nó. Thì ra mấu chốt của món thịt rang là điều chỉnh lửa. Ban đầu phải đun lửa to, sau đó thì vặn lửa nhỏ dần. Đun bao lâu và cho mắm muối lúc nào tùy vào món thịt muốn rang cháy cạnh hay không. Nó mất thêm nửa tháng để luyện thành công món này, còn tôi thì cả tháng sau vẫn giật mình thon thót khi nghe hai chữ “thịt rang”.

Sau khi đã nấu nướng ngon lành (ý tôi là “ăn được”) các món cơ bản, Nó lại gặp vấn đề khác.

– Tớ xào thịt bò ngon như… trên mạng, sao Mẹ vẫn chê? Bố thì thích ăn cá kho, tớ kho ngon như… trong sách rồi mà lại không chịu ăn là thế nào?

Tôi đến phát sốt lên được!

– Đầu bếp vĩ đại của tớ ơi. Mùa Đông cậu có muốn ăn những thứ lạnh tanh nguội ngắt không?

– Trừ kem. Còn thì không!

– Thế mùa Hè cậu có thích ăn các thứ vừa khô vừa nóng không?

– À ờ… không nốt.

– Đấy, lí do đấy. Sao với trăng của cậu đấy! Người ta nói “mùa nào thức nấy”, hiểu chưa.

Nó gật gù rồi lôi ra quyển sổ tay, hí hoáy ghi xong đọc cho tôi nghe: “Nấu ăn phải đi kèm với tình yêu và rất nhiều tinh tế. Món ăn ngon không những chỉ cần ngon mà còn phải phù hợp. Phù hợp về thời tiết, phù hợp về dinh dưỡng. Ai, mùa nào, nên ăn cái gì. Và những gì thì nên ăn với nhau.

– Chuẩn rồi. – Tôi gật gù.

– Hay là tớ viết một cuốn sách dạy nấu ăn nhỉ?

Tôi không nói gì nữa.

Qua nửa năm đầy bão tố, trình nấu ăn của Nó bây giờ đã ổn hơn xưa rất nhiều. Tối hôm trước, lạnh ơi là lạnh mà Nó ì èo đòi tôi sang ăn thử canh cá nấu dọc mùng.

– Tớ chưa làm dọc mùng bao giờ, tí nữa khóc khi Mẹ đi chợ về, thảy cho dọc mùng với cá, rồi bảo “Mẹ phải đi làm thêm đây!”. Nhưng mà tớ đã không khóc mà quay ra tìm trên mạng cách làm dọc mùng. Không bị ngứa tay một tí nào và ăn cũng không bị ngứa, lại còn ngon phải không?

– Ừm. Canh chua và nóng hổi. Dọc mùng giòn và dai. Thơm mùi bỗng rượu. Màu sắc đẹp nữa. Dọc mùng, cà chua, hành, thìa là… Không những ngon mà còn rất chi là phù hợp với thời tiết này. – Tôi tuôn một tràng nhận xét như kiểu chuyên gia ẩm thực.

– Thôi thôi. Dừng ngay. – Nó xua tay. – Tớ biết mình là ai mà!

– Thế cơ à. Thế cậu là ai?

Nó mơ màng nhìn… bát canh.

– Sau này, tớ sẽ lấy một anh tên là Đậu (ô hay trả lời thế à! Liên quan nhờ!). Vợ vua là “hoàng hậu” thì vợ Đậu là Hậu Đậu, hiểu không. Thế là không ai có thể nói tớ hậu đậu được vì tớ đúng là “Hậu Đậu” rồi!!!

Nó sướng, cười như điên vì cái phát hiện đấy.

“Hừ. Buồn cười nhờ.” Tôi nghĩ. Tôi tên là Kính chứ có tên là Đậu đâu!

 

RIDDIKULUX

$pageOut

Bài Viết Liên Quan:

0 nhận xét :

Post a Comment

Cảm Ơn Bạn Đã Đóng Góp Ý Kiến


Lên Trên